LÀM VIỆC VỚI LÒNG TỰ TRỌNG

Trường hợp: 

“Thật sự mình không đến nỗi tệ trong mắt bạn bè,  nhưng mà so với họ mình lại không thành công, mình cảm thấy mình không có giá trị gì với gia đình mình, mình chưa đạt được điều mình thật sự mong muốn, những người bạn của mình ngoài 30 họ đã có nhà, có sự nghiệp. Mình nhiều khi cảm thấy có lỗi với mẹ mình, mình thật sự cảm thấy không xứng đáng được nhận tình yêu thương mà mẹ đã dành cho mình, mình đã cố gắng thật nhiều nhưng mình đều thất bại, nhiều khi mình muốn từ bỏ tất cả, không muốn tham gia vào những hoạt động mà trước đây mình đã từng có. Liệu mình có bị gì hay không, mình mất động lực và không biết làm thế nào để vực dậy bản thân” – MH


Lợi ích của việc xây dựng lòng tự trọng khoẻ mạnh

Một người có lòng tự trọng lành mạnh có thể tự tin ứng phó với những vấn đề xung quanh mình theo cách không tấn công hay công kích, dọa nạt. Xây dựng mối quan hệ và tìm thấy sự thành công trong một số mặt của cuộc sống. Một người với lòng tự trọng lành mạnh thường có tự tin, năng động, có xu hướng ghi nhận, công nhận những gì đạt được trong cuộc sống, bình tĩnh và mở lòng cho sự phát triển và đổi mới.


Lòng tự trọng (self-esteem) là gì?

  • Lòng tự trọng có nghĩa là tin vào giá trị của bản thân mình (Nathaniel Branden, 1969). 

  • Ý thức của bạn về giá trị bản thân và giá trị của bạn trong tương quan với thế giới.

  • Một cách tổng quan, lòng tự trọng (self-esteem) đề cập đến năng lực và giá trị bản thân. Nó liên quan đến khái niệm của khái niệm bản thân và hiệu quả bản thân (self-efficacy) điều này biến lòng tự trọng thành động lực, sự sẵn sàng hành động và sự tự tin trong việc đạt được kết quả như mong đợi.

Tác động của lòng tự trọng?

  • Lòng tự trọng ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định, các mối quan hệ, sức khỏe cảm xúc và sức khỏe tổng thể của bạn. Nó cũng ảnh hưởng đến động lực, vì những người có cái nhìn tích cực, lành mạnh về bản thân hiểu tiềm năng của họ và có thể cảm thấy được truyền cảm hứng để đón nhận những thách thức mới.

  • Khái niệm lòng tự trọng đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống phân cấp thang nhu cầu của nhà tâm lý học Abraham Maslow, mô tả lòng tự trọng là một trong những động lực cơ bản của con người. 

Nhìn chung: theo Maslow thì sự thỏa mãn nhu cầu về lòng tự trọng dẫn đến sự tự tin, giá trị, sức mạnh, khả năng và khả năng đáp ứng nhu cầu hữu ích và cần thiết của bản thân. Tuy nhiên, sự cản trở của những nhu cầu này sẽ tạo ra cảm giác tự ti, yếu đuối, bất lực. Những cảm giác này đến lượt nó làm phát sinh mất cân bằng cơ bản hoặc các xu hướng bù trừ hoặc rối loạn tâm thần (Lý thuyết về động lực con người, H. A Maslow).

Lòng tự trọng cơ bản dựa trên điều gì?

Lòng tự trọng dựa trên:

  • Khả năng tiếp cận bản thân, khả năng đánh giá bản thân một cách hữu ích, xác thực.

  • Khả năng chấp nhận giá trị bản thân vô điều kiện.

  • Ghi nhận thực tế điểm mạnh và những hạn chế của bản thân.

  • Chấp nhận bản thân, xem bản thân là đáng giá mà không cần điều kiện hoặc nghi ngờ bản thân.


Khi nào lòng tự trọng thấp ảnh hưởng đến một người

  • Lòng tự trọng thấp và kỹ năng giao tiếp kém thường đi đôi với nhau (Blood & Blood, 2004). Có thể khó chia sẻ cảm xúc với người khác nếu bạn không cảm thấy cảm xúc của mình có giá trị  hoặc được đánh giá, một triệu chứng quá phổ biến của lòng tự trọng thấp.

  • Lòng tự trọng thấp có tiềm năng dẫn đến một loạt các rối loạn sức khỏe tâm thần, bao gồm rối loạn lo âu và rối loạn trầm cảm. 

  • Lòng tự trọng thấp có thể góp phần hoặc là triệu chứng của rối loạn sức khỏe tâm thần, bao gồm lo âu và trầm cảm.

  • Bạn cũng có thể cảm thấy khó khăn khi theo đuổi mục tiêu của mình và duy trì các mối quan hệ lành mạnh. Lòng tự trọng thấp có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bạn và làm tăng nguy cơ trải qua ý nghĩ tự hại.

  • Brown, Andrews, Harris, Adler, & Bridge (1986) phát hiện ra rằng lòng tự trọng thấp có liên quan đến chứng trầm cảm xuất phát từ một sự kiện căng thẳng trong cuộc sống, ngay cả khi theo dõi 1 năm. Phạm vi phát hiện này cho thấy lòng tự trọng đóng một vai trò trung tâm trong các vấn đề sức khỏe tâm thần.


Lợi ích và cách thức để khám phá, hiểu, can thiệp và phòng ngừa lòng tự trọng thấp

  • Lòng tự trọng, là nền tảng cho sự sống sót tâm lý, là một bậc thang trong thang nhu cầu của con người.

  • Hành trình làm việc với cảm nhận, hình ảnh, giá trị về bản thân là hành trình xây dựng lòng tự trọng lành mạnh (self-esteem) để tăng cường sức khỏe tinh thần-năng lực hồi phục. Đó là hành trình học cách tự chăm sóc, yêu thương, tử tế, bao dung, kiên cường, tự chủ, tích cực và công bằng, khẳng định giá trị với bản thân và dành cho bản thân.

  • Tiếp cận trị liệu nhận thức hành vi được cho là có hiệu quả trong việc làm việc với lòng tự trọng thấp.

  • Theo tiếp cận trị liệu nhận thức hành vi, cách thức mà bạn cảm nhận về bản thân nó không xuất hiện ở một nơi nào đó, mà các trải nghiệm sớm trong cuộc đời, những trải nghiệm thiết yếu, mối quan hệ của bạn với những người xung quanh, tất cả những điều này có một tác động lên cách bạn cảm nhận là ai và cách thức bạn suy nghĩ và bạn cảm nhận.

Trích từ sổ tay làm việc với lòng tự trọng- Áp dụng Tiếp Cận Trị Liệu Nhận Thức hành vi của Lê Thị Minh Tâm, năm 2023



Bạn quan tâm và muốn tìm hiểu, trợ giúp những người có khó khăn về lòng tự trọng ?!?

 Hãy tham khảo thông tin khóa học CBT chuyên sâu về lòng tự trọng và nhấn vào nút đăng ký.