Không dễ để xác định được nguyên nhân gây ra trầm cảm , từng trường hợp sẽ có những nguyên nhân khác nhau hình thành (Lê Thị Minh Tâm, 2023). Bài viết này sẽ đề cập đến một số yếu tố liên quan, cụ thể:
1. Yếu tố nguy cơ
Có thể nhắc đến một số yếu tố nguy cơ thường gặp nhiều ở người có rối loạn trầm cảm (Lê Thị Minh Tâm, 2023):
Khi bị tổn thương và đồng thời gặp tình huống hay hoàn cảnh kích hoạt gây nên stress có thể dẫn đến trầm cảm.
Môi trường gia đình có thể được xem là nhân tố ảnh hưởng lớn. Những biến cố trong mối quan hệ tương tác về cảm xúc như ly dị, cha mẹ ly hôn, gia đình đổ vỡ, chia tay…
Các sự kiện gây căng thẳng trong cuộc sống chẳng hạn như mất việc làm, thất bại trong kinh doanh hoặc tang chế…
Một số nguyên nhân trong môi trường học đường như khó khăn trong học tập, bị bắt nạt, bạo lực học đường hay mối quan hệ bạn bè trong nhóm học tập gặp phải xung đột hoặc khi học sinh cảm thấy bị bạn bè từ chối.
Một số nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm như bị lạm dụng tình dục thời thơ ấu, nạn nhân của bắt nạt trong môi trường học đường/bắt nạt qua mạng/bắt nạt trong gia đình,...
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những mối đe dọa mang tính toàn cầu, tính cấu trúc đối với sức khỏe tâm thần như bất bình đẳng xã hội và kinh tế, tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng động, chiến tranh và khủng hoảng khí hậu.
2. Yếu tố sinh học – di truyền
Nguy cơ và mức độ trầm cảm ở mỗi người là khác nhau, phần lớn phụ thuộc vào yếu tố sinh học – đặc biệt là yếu tố di truyền. Những người có người thân trong gia đình từng mắc trầm cảm có nguy cơ cao gấp 2–3 lần so với người không có tiền sử gia đình mắc rối loạn này (Verywell Health, 2025).
Trầm cảm khởi phát sớm trước tuổi 30 và có xu hướng tái phát nhiều lần thường liên quan chặt chẽ đến yếu tố di truyền (Sullivan et al., 2000). Yếu tố di truyền hay gen rất khó để tự thân khởi phát trầm cảm nếu không có tác động từ yếu tố bên ngoài, thường được kích hoạt khi cá nhân trải qua một điều kiện tâm lý và xã hội nào đó (Lê Thị Minh Tâm, 2023).
CÁC DẠNG CĂNG THẲNG CÓ THỂ KÍCH HOẠT TRẦM CẢM
Khi những tình huống căng thẳng có ý nghĩa trong cuộc sống xảy ra từ đó có thể sẽ kích hoạt trầm cảm (Lê Thị Minh Tâm, 2023):
Sự kiện quan trọng thuộc biến cố mất mát như liên quan đến mất người thân;
Thiếu liên lạc với con người, tự cô lập hoặc bị cô lập;
Xung đột trong mối quan hệ bạn bè;
Xung đột trong cặp đôi và hôn nhân;
Căng thẳng liên quan đến công việc;
Căng thẳng liên quan đến học tập;
Căng thẳng liên quan đến thích nghi và sự thay đổi đột ngột trong gia đình, trong cuộc sống. Đôi khi dấu hiệu trầm cảm vẫn có thể xuất hiện trong khi cuộc sống bình thường.
Tuy nhiên, không phải ai trải qua những tình huống trên cũng có thể kích hoạt trầm cảm. Tùy thuộc vào một vài yếu tố như yếu tố sinh học/di truyền, tiền sử gia đình với trầm cảm, v.v… sẽ tác động đến mức độ ảnh hưởng. Trong đó, người mang yếu tố di truyền dễ kích hoạt trầm cảm khi có căng thẳng kéo dài (Verywell Mind, 2022).
3. Hệ thần kinh
Sự mất cân bằng một số chất dẫn truyền thần kinh ở não bộ là yếu tố liên quan đến trầm cảm, chẳng hạn như: Serotonin, Norepinephrine, Dopamine (Lê Thị Minh Tâm, 2023).
Serotonin: Liên quan đến việc điều chỉnh tâm trạng, giấc ngủ và cảm giác thèm ăn. Nghiên cứu cho thấy giảm hoạt động của hệ thống serotonin trung ương có thể góp phần vào sự phát triển của trầm cảm (Hasler, 2010).
Norepinephrine: Đóng vai trò trong phản ứng với căng thẳng và điều chỉnh tâm trạng. Sự suy giảm norepinephrine có thể dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi và giảm hứng thú (Hasler, 2010).
Dopamine: Liên quan đến cảm giác thưởng và động lực. Sự thiếu hụt dopamine có thể dẫn đến mất hứng thú và động lực (Hasler, 2010).
Sự suy giảm hoạt động của các chất này có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, động lực và khả năng đối phó với căng thẳng của cá nhân, những điều này cũng là triệu chứng đặc trưng của trầm cảm (Hasler, 2010).
Nguồn tham khảo
Lê Thị Minh Tâm. (2023). Lắng nghe trầm cảm: Hiểu - Thương - 12 tuần thực hành chữa lành. Nhà xuất bản Lao động.
Hasler, G. (2010). Pathophysiology of depression: Do we have any solid evidence of interest to clinicians? World Psychiatry, 9(3), 155–161. Truy cập từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2950973/
Risser, M. (2024, February 21). What Is the Diathesis-Stress Model? Choosing Therapy. Truy cập từ https://www.choosingtherapy.com/diathesis-stress-model/
Sullivan, P. F., Neale, M. C., & Kendler, K. S. (2000). Genetic Epidemiology of Major Depression: Review and Meta-Analysis. American Journal of Psychiatry, 157(10), 1552–1562. https://doi.org/10.1176/appi.ajp.157.10.1552
Verywell Mind. (2022). What to Know About the Diathesis-Stress Model. Truy cập từ https://www.verywellmind.com/what-is-the-diathesis-stress-model-6454943
Verywell Health. (2025). Is Depression Genetic? The Role of Genes in Mental Health. Truy cập từ https://www.verywellhealth.com/is-depression-genetic-11699770