Trên đây là những câu hỏi đầu tiên mà nhà thực hành (Nhà tham vấn tâm lý, nhà trị liệu, hay nhà tâm lý), cụ thể trong tài liệu này là nhà tham vấn tâm lý, chuyên viên tham vấn tâm lý) cần hỏi và cần làm rõ, nắm rõ về vai trò nhiệm vụ và cả những giới hạn chuyên môn của mình.
Định nghĩa Tham vấn Tâm Lý
Theo hiệp hội các nhà Tham Vấn Hoa kì (ACA, 1997): tham vấn là sự áp dụng nguyên tắc tâm lí, sức khoẻ tinh thần hay nguyên tắc về sự phát triển con người qua các chiến lược can thiệp một cách có hệ thống về nhận thức, cảm xúc, hành vi, tập trung vào sự lành mạnh, sự phát triển cá nhân, phát triển nghề nghiệp cũng như vấn đề bệnh lý.
Theo Nelson và Jones (1994), tham vấn là một quá trình nhằm mục đích giúp thân chủ tự giúp mình bằng cách đưa ra những lựa chọn tốt hơn và trở thành những người lựa chọn tốt hơn. Kho kỹ năng của người trợ giúp bao gồm những kỹ năng xây dựng tương tác và hình thành mối quan hệ trị liệu thấu hiểu, cũng như các biện pháp can thiệp tập trung vào việc giúp thân chủ thay đổi các khía cạnh cụ thể trong cảm giác, suy nghĩ và hành động của họ.
“Sự trợ giúp ở đây được thể hiện qua việc giúp người có vấn để hiểu được chính họ, hoàn cảnh của họ, phát huy được tiềm năng, năng lực vốn có của chính mình. Với ý nghĩa này, tham vấn còn có tác dụng giúp đối tượng nâng cao khả năng đối phó với vấn đề trong cuộc sống”
Tham vấn còn được định nghĩa “là một sự tương tác trong đó nhà tham vấn (người trợ giúp) cung cấp cho (những) người khác thời gian/sự chú ý/sự tôn trọng cần thiết để tìm hiểu, khám phá và làm rõ những cách thức tăng cường nguồn lực”. Tham vấn là một tương tác tập trung vào vấn đề và hướng đến mục tiêu, đồng thời bao gồm việc tiến hành đối thoại và cung cấp các cơ hội để ra quyết định và thay đổi hành vi. Một tham vấn viên giỏi giúp người khác trở nên tự chủ (nghĩa là họ có thể lựa chọn, đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm về hành động của chính mình). Quá trình nâng cao sự tự chủ sẽ giúp thân chủ mạnh lên, có dũng khí đương đầu và vượt qua với các vấn đề khó khăn hay thử thách trong cuộc sống.
Tham vấn là một quá trình tương tác giữa nhà tham vấn (người có chuyên môn và kĩ năng tham vấn có các phẩm chất đạo đức của nghề tham vấn và được pháp luật thừa nhận) với thân chủ (còn gọi là khách hàng- người đang có vấn đề khó khăn về tâm lí muốn được giúp đỡ). Thông qua các kĩ năng trao đổi và chia sẻ tâm tình (dựa trên các nguyên tắc đạo đức và mối quan hệ mang tính nghề nghiệp), thân chủ hiểu và chấp nhận thực tế của mình, tự tìm lấy tiềm năng bản thân để giải quyết vấn đề của chính mình.
Như vậy, tham vấn là một quá trình liên tục trong đó thân chủ và nhà tham vấn làm việc cùng nhau để hỗ trợ thân chủ và giải quyết các vấn đề của họ. Trong quá trình này, nhà tham vấn giúp thân chủ có được cái nhìn tốt hơn về các vấn đề của họ, và họ trong hoàn cảnh của chính họ và tạo điều kiện để đưa ra các giải pháp thay thế khả thi để giải quyết vấn đề. Với sự hỗ trợ nhất định của mối quan hệ tham vấn trị liệu, thân chủ cảm thấy đủ thoải mái để bắt đầu các lựa chọn thay thế phù hợp nhằm thay đổi thái độ và hành vi, ngoài ra phát triển thêm những kỹ năng mới và tăng cường sự tự chủ của bản thân, tiếp cận tốt hơn với nguồn lực nội tại và nguồn lực hỗ trợ bên ngoài.
Tóm tắt: Tham vấn Tâm lý là
một hình thức giao tiếp đặc biệt với một cam kết rõ ràng
hình thức trợ giúp dựa trên nguyên tắc bảo mật và không phán xét
dựa trên nguyên tắc trao quyền
một mối quan hệ trong đó một người giúp đỡ người khác thông qua các nguyên tắc và hướng tiếp cận tâm lý cụ thể
một hoạt động có thể diễn ra trong môi trường nhóm, trong đó một người có thể giúp đỡ nhiều người trong nhóm
một quá trình đòi hỏi một kiểu lắng nghe đặc biệt gọi là "lắng nghe tích cực"
một quy trình giúp mọi người làm rõ và giải quyết các vấn đề
một quy trình công nhận mỗi người là duy nhất với những trải nghiệm độc đáo
được hướng dẫn bởi các lý thuyết về nguyên nhân của vấn đề và các phương pháp giúp đỡ cần thiết
một hoạt động được thực hiện bởi những người được đào tạo.
Quá trình tham vấn hướng tới những kiến thức và nhân cách làm người, gắn với sự trưởng thành của thân chủ và cả nhà tham vấn. Điều này khác hẳn với việc cho lời khuyên hay ra quyết định thay cho thân chủ.
Tham vấn tâm lý hay tham vấn trị liệu là một hoạt động được thực hiện bởi những người được đào tạo đặc biệt trong lĩnh vực này. Nó khác với nhiều nghề nghiệp và lĩnh vực công việc khác thường được mô tả là “tham vấn” nhưng nói một cách chính xác thì không phải như vậy. Những lĩnh vực khác này bao gồm, ví dụ, tham vấn nghề nghiệp, tham vấn tài chính, tham vấn thể thao và tham vấn phong cách.
Vai trò của nhà tham vấn tâm lý
Cung cấp các hỗ trợ tâm lý cho thân chủ.
Cung cấp hỗ trợ liên quan đến các chủ để trong cuộc sống và sức khoẻ tâm thần (bao gồm: những vấn đề tâm lý và hành vi liên quan đến sức khoẻ sinh sản và tính dục; nhận diện bản sắc; khủng hoảng; lòng tự trọng thấp; khó khăn trong giao tiếp; khó khăn thích nghi; vấn đề tâm lý liên quan đến các mối quan hệ ( gia đình, tình yêu, hôn nhân), những vấn đề tâm lý liên quan đến bạo lực học đường, động lực, sự tự chủ, quản lý căng thẳng, vấn đề liên quan đế sức khoẻ tâm thần như sang chấn, lo âu, u sầu, trầm cảm…)
Tài liệu tham khảo
(ACA 1997)
Trần Thị Minh Đức, Giáo Trình Tham Vấn Tâm Lý, (trang 21)
International Planned Parenthood Federation (IPPF), Counselling Training Manual, Trauma, Guilt & Self Esteem, 2009
Trần Thị Minh Đức, Bàn về thuật ngữ tư vấn, Tạp chí Đại Học Và Giáo Dục Chuyên Nghiệp, 2000
Richard Nelsson (1997)