Chúng ta thường biết đến trầm cảm với những cảm xúc buồn bã. Tuy nhiên, trầm cảm không đơn thuần là nỗi buồn thông thường. Trầm cảm là một dạng rối loạn tâm thần có thể tác động đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Trầm cảm ảnh hưởng sâu sắc đến động lực, đời sống cảm xúc, quá trình tư duy/suy nghĩ, cách cá nhân cảm nhận thế giới xung quanh và hình ảnh bản thân, trải qua sự thay đổi rõ rệt trong hành vi, bào mòn thể lý, tác động vào nội tâm khiến cá nhân giảm dần kết nối với chính mình trong cảm giác lẫn ý nghĩa cuộc sống (Lê Thị Minh Tâm, 2023).
Tác động đến động lực
Việc giảm động lực ở người trầm cảm không phải là sự thiếu cố gắng hay lười biếng, mà có liên quan đến rối loạn trong hoạt động của hệ thống phần thưởng mesolimbic - đặc biệt là giữa vùng nhân accumbens (NAc) và vùng chất xám quanh cống (VTA). Hệ thống này thường chịu trách nhiệm xử lý các kích thích mang tính phần thưởng (thức ăn, tình dục, xã hội). Khi mắc rối loạn, nó dẫn đến tình trạng mất khả năng cảm nhận niềm vui và giảm năng lượng, đó là một trong những đặc điểm phổ biến của trầm cảm (Nestler & Carlezon, 2006).
Rối loạn trầm cảm có thể tác động đến động lực trong nhiều mặt như: Tác động đến động lực trong học tập, chẳng hạn như tránh né việc làm bài, đến lớp hoặc gặp thầy cô hay bạn bè, điều này có thể khiến bạn cảm thấy lo lắng và cảm giác tội lỗi với gia đình/thầy cô,… Tác động đến động lực trong công việc: giảm hứng thú khi làm việc, hoàn thành nhiệm vụ với một tinh thần chán nản, mệt mỏi và cố gắng làm cho xong,… Tác động đến động lực chăm sóc bản thân và người khác, chẳng hạn như người mẹ có thể mất hứng thú với việc chăm sóc con cái và mang cảm xúc tội lỗi sau đó,… (Lê Thị Minh Tâm, 2023).
Tác động đến cảm xúc
Rối loạn trầm cảm có thể tác động đến cảm xúc của chúng ta, cảm xúc tích cực giảm xuống. Trong khi cảm xúc tiêu cực gia tăng và kéo dài, chẳng hạn như: buồn bã, vô vọng, u sầu, chán nản,… Bên cạnh đó còn có cảm xúc “đóng băng”, tức là giảm hoặc mất khả năng cảm nhận niềm vui kể cả khi trải nghiệm những điều từng cảm thấy hứng thú hay rất đáng vui mừng. Dễ dàng cảm thấy tội lỗi, xấu hổ, dễ kích động hay cáu gắt, tức giận hơn thường lệ hoặc dễ cảm thấy bị tổn thương hơn,… Ngoài những biểu hiện cảm xúc ra bên ngoài, cảm xúc tiêu cực khi trầm cảm có thể phát triển theo hướng dồn nén vào bên trong, từ đó có thể dẫn đến hành vi tự hại (Lê Thị Minh Tâm, 2023).
Các triệu chứng trầm cảm gây suy giảm đáng kể trong chức năng xã hội, nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực quan trọng khác của cuộc sống, bao gồm cả việc giảm sự quan tâm đến các hoạt động từng mang lại niềm vui (American Psychiatric Association, 2022).
Tác động đến suy nghĩ
Trầm cảm làm gia tăng xu hướng tập trung nhiều hơn vào các ký ức tiêu cực, đánh giá hiện tại bi quan và có xu hướng đưa ra dự đoán tiêu cực về tương lai, từ đó làm suy giảm khả năng giải quyết vấn đề và giảm sự tự tin trong việc vượt qua khó khăn (Nolen-Hoeksema, Wisco, & Lyubomirsky, 2008).
Bên cạnh đó, trầm cảm còn gây ra một số cản trở suy nghĩ, chẳng hạn như: Khó khăn trong việc tập trung chú ý; Ảnh hưởng đến trí nhớ, dễ quên; Nhớ nhiều hơn về những điều tiêu cực so với điều tích cực,… (Lê Thị Minh Tâm, 2023).
Tác động đến cảm nhận và hình ảnh bản thân
Trầm cảm thường đi kèm với cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi quá mức/không phù hợp, đó là một trong những triệu chứng hầu như diễn ra mỗi ngày. Những cảm xúc này có thể dẫn đến sự đánh giá tiêu cực về bản thân (American Psychiatric Association, 2022).
Một số người từng trải qua trầm cảm đã sử dụng các hình ảnh ẩn dụ để mô tả trạng thái của mình như một con chó mực luôn bám theo, một đám mây đen nặng nề, một lỗ đen trong vũ trụ, cái bóng của chính mình hoặc một tảng đá xám xịt đè nặng trên ngực. Đó là những biểu tượng phản ánh sự tồn tại dai dẳng, ngột ngạt và khó gọi tên của rối loạn trầm cảm (Lê Thị Minh Tâm, 2023).
Tác động đến hành vi
Rối loạn trầm cảm có thể ảnh hưởng đến hành vi theo nhiều cách. Trong giai đoạn đầu, người mắc rối loạn có thể thu mình, tìm kiếm sự cô lập và dành phần lớn thời gian ở nhà hoặc nằm trên giường. Nếu tình trạng kéo dài trên sáu tháng, sẽ có xu hướng ngừng theo đuổi các cơ hội phát triển cá nhân do rơi vào trạng thái mất động lực phấn đấu (Lê Thị Minh Tâm, 2023).
Một số hành vi cụ thể (Lê Thị Minh Tâm, 2023), chẳng hạn như:
+ Ít tích cực khi tham gia vào các hoạt động so với thời gian trước đây, né tránh xuất hiện nơi đông người hoặc các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội, đội, nhóm.
+ Giảm sự chủ động và động lực hoàn thành mục tiêu.
+ Hiệu quả làm việc bị giảm sút, các biểu hiện bên ngoài như đi đứng nặng nề hay phản ứng chậm chạp hơn và thay đổi các tương tác với người khác.
+ Bị hạn chế và chi phối bởi những suy nghĩ tiêu cực.
Tác động đến thể lý
Sẽ xuất hiện sự thay đổi trong cơ thể và não khi có rối loạn trầm cảm. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng thay đổi hoóc môn stress như cortisol, chất dẫn truyền thần kinh như neurotransmitters (hóa chất ở não) cũng bị ảnh hưởng. Trong giai đoạn trầm cảm một số vùng não hoạt động một cách bất thường (Lê Thị Minh Tâm, 2023).
Một vài biểu hiện cụ thể qua thể lý như sau: Trải nghiệm năng lượng cơ thể giảm; Giấc ngủ thay đổi thất thường: khó ngủ hoặc ngủ rất nhiều; Thay đổi trong ăn uống: ăn rất nhiều hoặc không muốn ăn uống; Tại một thời điểm nào đó trong ngày sẽ cảm thấy tệ,… (Lê Thị Minh Tâm, 2023).
Tác động đến nội tâm
Rối loạn trầm cảm khiến chúng ta phải đối diện với một quá trình đấu tranh nội tâm kéo dài và tiêu hao năng lượng tâm trí lẫn thể chất. Tình trạng này thường đi kèm với các xung đột nội tâm đối lập như: trắng – đen, được – mất, được yêu – không được yêu, có năng lực – không có năng lực, thành công – thất bại, thắng – thua,... (Lê Thị Minh Tâm, 2023)
Rối loạn trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến động lực, cảm xúc và suy nghĩ, mà còn tác động đến hành vi, thể lý và toàn bộ đời sống tinh thần. Việc nhận diện biểu hiện cũng như các tác động đa chiều của trầm cảm là điều kiện giúp người mắc rối loạn có thể chủ động tìm kiếm hỗ trợ chuyên môn phù hợp nhằm được chẩn đoán, đánh giá và hỗ trợ tâm lý kịp thời (Lê Thị Minh Tâm, 2023).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Lê Thị Minh Tâm. (2023). Lắng nghe trầm cảm: Hiểu - Thương - 12 tuần thực hành chữa lành. Nhà xuất bản Lao động.
American Psychiatric Association. (2022). Diagnostic and statistical manual of mental disorders (5th ed., text rev.; DSM-5-TR). American Psychiatric Publishing.
Nestler, E. J., & Carlezon, W. A., Jr. (2006). The mesolimbic dopamine reward circuit in depression. Biological Psychiatry, 59(12), 1151-1159. https://doi.org/10.1016/j.biopsych.2005.09.018
Nolen-Hoeksema, S., Wisco, B. E., & Lyubomirsky, S. (2008). Rethinking Rumination. Perspectives on Psychological Science, 3(5), 400-424. https://doi.org/10.1111/j.1745-6924.2008.00088.x (Original work published 2008)