Sự khác biệt giữa Trầm cảm với Nỗi buồn thông thường
Người ta thường nhầm lẫn giữa trầm cảm và nỗi buồn thông thường. Việc khó bộc lộ và dễ bị xem nhẹ, trầm cảm thường không được nhìn nhận đúng mức độ nghiêm trọng của nó

Rối loạn trầm cảm là “một hội chứng phản ánh trạng thái buồn bã hoặc một nỗi khổ vượt quá mức bình thường”, với mức độ nặng và kéo dài lâu hơn, đi kèm nhiều triệu chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến chức năng sống của cá nhân, hoạt động xã hội và nghề nghiệp. Trong thực tế, người ta thường nhầm lẫn giữa trầm cảm và nỗi buồn thông thường. Việc khó bộc lộ và dễ bị xem nhẹ, trầm cảm thường không được nhìn nhận đúng mức độ nghiêm trọng của nó (Lê Thị Minh Tâm, 2023).

Việc nhận thức chưa đầy đủ về rối loạn trầm cảm có thể dẫn đến kỳ thị xã hội, sự tự kỳ thị  (Corrigan & Watson, 2002). Thậm chí khiến người trầm cảm phủ nhận vấn đề của mình hoặc không nhận được sự đồng cảm khi chia sẻ. Hậu quả là những tổn thương tâm lý kéo dài và sự chậm trễ trong việc tiếp cận hỗ trợ hoặc trị liệu chuyên môn cần thiết (Lê Thị Minh Tâm, 2023).

Hiểu về nỗi buồn và trầm cảm

❤️‍🩹 Nỗi buồn thông thường thường là trạng thái cảm xúc trước một sự kiện thăng trầm trong cuộc sống ví dụ như mất người thân, thất bại, mất việc hoặc thất vọng,… và có xu hướng giảm dần theo thời gian (Smitha Bhandari, 2025).

❤️‍🩹 Rối loạn trầm cảm chủ yếu (Major Depressive Disorder – MDD) được định nghĩa là một rối loạn tâm thần đặc trưng bởi tâm trạng trầm buồn kéo dài hoặc mất hứng thú với hầu hết các hoạt động, kèm theo nhiều triệu chứng về nhận thức, thể chất và cảm xúc, gây ảnh hưởng đáng kể đến chức năng nghề nghiệp, xã hội hoặc cá nhân (American Psychiatric Association, 2013).

Bên cạnh đó, trầm cảm có thể khởi phát không rõ nguyên nhân cụ thể, liên quan đến các yếu tố sinh học (mất cân bằng hóa chất thần kinh), yếu tố tâm lý (kiểu nhân cách, sang chấn), và các nguyên nhân từ xã hội (cô lập, áp lực cuộc sống) (American Psychiatric Association, 2013). Nhiều trường hợp trầm cảm xảy ra ngay cả khi không có sự kiện tiêu cực cụ thể nào.

Triệu chứng và ảnh hưởng

Nỗi buồn thông thường không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hàng ngày và thường tự hồi phục theo thời gian. Nỗi buồn thông thường không kèm theo những biểu hiện nghiêm trọng, người trải nghiệm thường nhận thức được nguyên nhân cảm xúc của mình. Cũng như họ vẫn có khả năng điều chỉnh hành vi và cảm xúc một cách linh hoạt, chẳng hạn như đôi khi muốn ở một mình cũng là một phần bình thường trong quá trình tự chăm sóc bản thân; cần một khoảng thời gian nghỉ ngơi, tách khỏi môi trường xã hội có thể mang lại sự hồi phục cảm xúc, nạp lại năng lượng; không cần liên tục duy trì sự hiện diện xã hội hay giao tiếp với người khác (Smitha Bhandari, 2025).

Trong khi đó, trầm cảm là một rối loạn kéo dài liên tục tối thiểu 2 tuần với ít nhất 5 triệu chứng trong số các triệu chứng sau (American Psychiatric Association, 2013):

- Tâm trạng trầm buồn gần như cả ngày;

- Giảm rõ rệt hứng thú hoặc niềm vui trong hầu hết các hoạt động;

- Thay đổi cân nặng hoặc khẩu vị;

- Rối loạn giấc ngủ (mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều);

- Mệt mỏi, mất năng lượng;

- Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi quá mức;

- Giảm khả năng tập trung hoặc quyết định;

- Ý nghĩ về cái chết, tự tử hoặc có hành vi tự hủy hoại.

Mức độ suy giảm chức năng thường nghiêm trọng và kéo dài hàng tháng, thậm chí nhiều năm nếu không được điều trị.

Khi nào cần tìm đến hỗ trợ chuyên môn/trị liệu tâm lý

Nỗi buồn thường không cần can thiệp y tế, người trải nghiệm có thể hồi phục qua thời gian, nhờ sự hỗ trợ xã hội hoặc các hoạt động tích cực (Bhandari, 2025).

Trầm cảm cần được trao đổi, chia sẻ, thấu hiểu và tìm đến giải pháp phù hợp cho vấn đề. Các khó khăn tâm lý nói chung, cũng như rối loạn trầm cảm nói riêng khi được bộc lộ và giải phóng một cách an toàn thì con người sẽ hướng đến sự đón nhận, vị tha, giàu lòng trắc ẩn hơn với chính mình. Trầm cảm sẽ nhanh được chữa lành hơn khi có sự nỗ lực từ chính bản thân cùng với sự hỗ trợ cảm xúc, xã hội và công cụ từ nhà chuyên môn (Lê Thị Minh Tâm, 2023).

Sự khác biệt giữa trầm cảm và nỗi buồn thông thường thể hiệu qua mức độ, thời gian kéo dài và rối loạn chức năng. Nỗi buồn là một trạng thái cảm xúc, trầm cảm là một rối loạn tâm thần, cần được nhận diện và điều trị kịp thời. Nhận thức rõ sự khác biệt này có thể giúp cá nhân hiểu và chăm sóc tốt sức khỏe tâm thần của chính bản thân, cũng như góp phần giảm thiểu kỳ thị trong xã hội. 

Nguồn tham khảo:

American Psychiatric Association. (2013). Diagnostic and statistical manual of mental disorders (5th ed.). Arlington, VA: American Psychiatric Publishing.

Truy cập từ: https://repository.poltekkes-kaltim.ac.id/657/1/Diagnostic%20and%20statistical%20manual%20of%20mental%20disorders%20_%20DSM-5%20(%20PDFDrive.com%20).pdf

Bhandari, S. (2025). Depression and Sadness: When to See the Doctor. WebMD. Truy cập từ: https://www.webmd.com/depression/depression-sadness

Corrigan, P. W., & Watson, A. C. (2002). Understanding the impact of stigma on peopl.e with mental illness. World Psychiatry, 1 (1), 16 – 20. Truy cập từ: https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC1489832/

Lê Thị Minh Tâm. (2023). Lắng nghe trầm cảm: Hiểu - Thương - 12 tuần thực hành chữa lành. Nhà xuất bản Lao động

Bạn có bị thu hút bởi người ái kỷ độc hại?
Đôi khi, việc liên tục rơi vào mối quan hệ với người có ái kỷ độc hại không phải là sự ngẫu nhiên – nó thường có thể bắt nguồn từ các mô thức tâm lý sâu xa được hình thành từ thời thơ ấu.