Khi xuất hiện những cảm xúc khó, bạn thường làm gì để tâm trạng ổn hơn?
Có bao giờ bạn chọn việc “viết chữa lành” để cảm thấy nhẹ lòng hơn, khi được trút bầu tâm sự lên trang giấy những điều khiến mình đau buồn?
Một trong những cách để giải phóng cảm xúc chính là viết. Viết còn là một phương pháp được các nhà khoa học nghiên cứu và gọi tên là viết chữa lành (expressive writing).
Vào những năm 1980, giáo sư James Pennebaker và cộng sự đã thử nghiệm một điều đơn giản: họ mời sinh viên viết trong 15 phút mỗi ngày suốt 4 ngày liên tiếp, viết về trải nghiệm đau buồn nhất trong đời. Kết quả cho thấy những người viết ra nỗi đau của mình ít đến phòng y tế hơn và sức khỏe cải thiện rõ rệt sau 6 tháng (Pennebaker & Beall, 1986).
Nhiều nghiên cứu sau này cũng cho thấy, những ai viết về những tổn thương thật sự hay các sự kiện xảy ra và cảm xúc xoay quanh nó sẽ có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn so với những người chỉ viết về chủ đề bình thường như đồ vật hay lịch trình hằng ngày (Baikie & Wilhelm, 2005).
Bên cạnh việc viết giúp giải tỏa cảm xúc, viết còn giúp chúng ta hiểu về chính mình hơn.
Đã có nghiên cứu đưa ra được khi chúng ta chỉ viết về cảm xúc mà không suy nghĩ lại câu chuyện, không tìm ra ý nghĩa từ đó thì đôi khi còn khiến người ta mệt mỏi hơn (Ullrich & Lutgendorf, 2002). Và khi chúng ta vừa viết cảm xúc, vừa suy nghĩ lại trải nghiệm đó, chẳng hạn như: “Tôi học được điều gì?”, “Tôi nhìn nhận lại việc đó ra sao?” sẽ khiến ta cảm thấy mạnh mẽ hơn, ít gặp vấn đề sức khỏe hơn. Viết giúp ta dần dần sắp xếp lại những hỗn độn trong tâm trí và nhìn thấy hướng giải quyết cho vấn đề.
Vậy viết như thế nào để “chữa lành” cho chính bản thân?!?
Bạn có thể dành 15 – 20 phút một ngày trong khoảng từ 3 đến 5 ngày hoặc duy trì mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng,… Bạn chỉ cần viết ra hết tất cả những gì đã khiến bạn tổn thương, buồn đau, day dứt hay lo lắng,… Bạn không cần phải viết hay, không cần chỉn chu trong từng câu chữ, cũng chẳng cần chia sẻ điều đó với một ai.
Hãy để mình được tự do viết về chuyện đã xảy ra. Viết về cảm xúc bạn đã trải qua. Viết ra cảm xúc bạn đang có. Những điều bạn nghĩ mình học được từ đó. Bạn có thể viết nhiều ngày liền, việc đó giúp bạn từng bước dần nhận ra những thay đổi nhỏ từ trong cách suy nghĩ, cách cảm nhận và cả trong sức khỏe của chính bạn.
Viết chữa lành có thể chưa phù hợp với những ai đang trong giai đoạn quá tổn thương hoặc gặp các vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Phản ứng bình thường có thể xuất hiện là một vài người sẽ cảm thấy buồn hơn ngay sau khi viết. Và bạn đừng quá bất ngờ hay lo lắng với điều ấy, cảm giác này thường sẽ dịu đi sau vài ngày (Pennebaker & Smyth, 2016). Bạn có thể dừng lại và tìm đến sự hỗ trợ từ người thân hoặc chuyên gia tâm lý nếu như cảm thấy quá khó chịu sau khi viết.
Những nỗi niềm bạn đang mang trong lòng, những tổn thương bạn chưa từng chia sẻ, những tâm tư chỉ có thể giữ kín… hãy viết ra. Khi bạn đặt bút xuống và viết ra được những điều ấy, đó có thể là bước đầu tiên để chữa lành cho tâm hồn bạn. Bạn hãy cứ tự dó làm chính mình trong từng câu chữ, bởi chẳng có ai đọc những dòng viết ấy. Viết để vỗ về và xoa dịu những suy nghĩ trong bạn!
NGUỒN TÀI LIỆU THAM KHẢO
Baikie, K. A., & Wilhelm, K. (2005). Emotional and physical health benefits of expressive writing. Advances in Psychiatric Treatment, 11(5), 338–346. https://doi.org/10.1192/apt.11.5.338
Pennebaker, J. W., & Beall, S. K. (1986). Confronting a traumatic event: Toward an understanding of inhibition and disease. Journal of Abnormal Psychology, 95(3), 274–281. https://doi.org/10.1037/0021-843X.95.3.274
Pennebaker, J. W., & Smyth, J. M. (2016). Opening up by writing it down: How expressive writing improves health and eases emotional pain (3rd ed.). The Guilford Press.
Ullrich, P. M., & Lutgendorf, S. K. (2002). Journaling about stressful events: Effects of cognitive processing and emotional expression. Annals of Behavioral Medicine, 24(3), 244–250. https://doi.org/10.1207/S15324796ABM2403_10