KHI THÂN CHỦ MANG ĐẾN QUÁ NHIỀU THÔNG TIN CÙNG MỘT LÚC….
Bạn sẽ cảm thấy như thế nào khi một thân chủ đến và kể với bạn ti tỉ thứ trên cuộc đời của họ, từ gia đình, các mối quan hệ, những suy nghĩ không thể kiểm soát và những vấn đề thể lý đang khiến cuộc sống họ bị đảo lộn? Những sự kiện cứ nối tiếp với hàng ngàn suy nghĩ, tiếp tục đến những động thái, hành vi và lại tiếp tục quay trở lại những suy nghĩ, cảm xúc… nó trở thành một vòng lặp không có lối thoát và khiến cho chúng ta bối rối không biết làm gì tiếp theo.
Đây là điều không thể tránh khỏi đối với những người vừa bắt đầu con đường tham vấn của mình. Đôi khi việc sắm vai giả định cũng đã khiến bạn trăn trở rất nhiều về vấn đề này trước khi đến với một ca thực tế. Làm sao để tóm tắt lại và trình bày lên một bản báo cáo ca cụ thể? Và cuối cùng là chúng ta sẽ thiết kế một kế hoạch trị liệu cho thân chủ như thế nào?
Đối với tiếp cận trị liệu nhận thức hành vi, định hình ca là một quy trình cần thiết và giúp giải quyết vấn đề này. Định hình ca được những nhà thực hành của liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) sử dụng để xác định và hiểu các vấn đề của thân chủ. Đây là một giả thuyết về các cơ chế tâm lý gây ra và duy trì các triệu chứng và vấn đề của một cá nhân. Định hình ca giúp nhà trị liệu và thân chủ hiểu được nguồn gốc, tình trạng hiện tại và duy trì một vấn đề. Đây là một công cụ để hiểu được vấn đề của thân chủ và bắc cầu cho kế hoạch đánh giá và điều trị.
📃 ĐỊNH HÌNH CA TRONG NHẬN THỨC HÀNH VI LÀ GÌ?
Định hình ca là một công cụ để hiểu được câu chuyện của thân chủ đã trải qua. Nó gom lại nhiều phần từ các đánh giá thành một vấn đề cốt lõi hoặc một giả thuyết về trường hợp của thân chủ. Định hình ca bắc cầu giữa đánh giá và kế hoạch điều trị, và tiên lượng cho các lựa chọn điều trị cho những chuyên gia tâm lý [1].
Trong phương pháp định hình ca đối với liệu pháp hành vi nhận thức (CBT), nhà trị liệu sẽ hợp tác với thân chủ để định hình ca cho thân chủ và sử dụng nó như một kim chỉ đường trong quá trình điều trị. Đây là một giả thuyết về các yếu tố chính gây ra và kéo dài các vấn đề của thân chủ [2].
Phương pháp tiếp cận theo định hình ca đối với CBT bắt nguồn từ liệu pháp nhận thức của Beck và các đồng nghiệp của ông khi còn là sinh viên sau đại học. Định hình ca bao gồm [2]:
Khái niệm hóa lại nhận thức của thân chủ
Theo dõi tiến trình của thân chủ và thu thập phản hồi
Tiếp cận thực nghiệm trong công việc lâm sàng (đánh giá, quan sát biểu hiện lâm sàng).
Hướng dẫn CBT cung cấp điểm khởi đầu để làm việc với một biểu hiện cụ thể của khách hàng (ví dụ như lo âu hoặc trầm cảm), việc tinh chỉnh điều này để phát triển một cách tiếp cận phù hợp với từng thân chủ cho phép nhà trị liệu cung cấp phương pháp điều trị chất lượng cao hơn và hiệu quả hơn. Điều này được thực hiện ngay từ đầu, bằng việc sử dụng những tài liệu thu thập được từ quá trình đánh giá (thông qua quan sát, phỏng vấn lâm sàng hoặc sử dụng các bảng hỏi, thang đo) [4].
📃 TẠI SAO CẦN PHẢI ĐỊNH HÌNH CA?
Điều này giúp cho quá trình trị liệu có thể áp dụng hiệu quả cho từng trường hợp. Nhà trị liệu bắt đầu bằng cách tiến hành đánh giá một cách toàn diện để phát triển kế hoạch trị liệu cho thân chủ đó, cá nhân hóa về từng trường hợp dựa trên tiếp cận hành vi nhận thức dựa trên bằng chứng và đặt ra các mục tiêu đặc trưng cho tiến trình trị liệu của thân chủ [2]. Điều này giúp cho quá trình trị liệu hiệu quả hơn.
Định hình ca là một bức tranh toàn diện và tổng quan về những gì ngăn cản thân chủ đạt được những gì họ muốn và làm sao để họ tự tìm được giải pháp cho chính vấn đề của mình. Định hình ca giúp các nhà tâm lý lâm sàng (a) giải quyết những điểm mấu chốt trong nan đề của thân chủ và (b) hiểu và xử lý những khó khăn tồn tại trong vấn đề khi điều trị những triệu chứng kèm theo các rối loạn bằng những kỹ thuật cụ thể [5]. Việc nhìn thấy tổng quan về những vấn đề hiện tại, những khó khăn xoay quanh nan đề sẽ giúp thân chủ nhìn thấy được phương hướng của mình trong tương lai. Với CBT, sự phối hợp của thân chủ sẽ giúp cho tiến trình điều trị trở nên rõ ràng và trực quan hơn [5].
Kết nối các thông tin với nhau để xây dựng những mối nối cho bức tranh của thân chủ. Từ đó nhà tâm lý sẽ xây dựng một kế hoạch điều trị hiệu quả và phù hợp hơn. Bằng những thông tin thu thập được và làm việc với thân chủ để theo dõi tiến trình điều trị và thực hiện những điều chỉnh khi cần. Có thể nói, việc định hình ca là một bước đệm chắc chắn để lên kế hoạch điều trị cho thân chủ [6].
Trong tài liệu Tiếp cận nhận thức hành vi của ThS. Lê Thị Minh Tâm, việc định hình ca quan trọng vì nó cung cấp một bức tranh tổng thể về sự phát triển của vấn đề của thân chủ và bằng cách nào vấn đề này được duy trì. Giúp nhà tâm lý hiểu được và cá nhân hóa kế hoạch tham vấn trị liệu cho thân chủ theo mô hình trị liệu nhận thức hành vi. Một vài chức năng được đề cập đến như sau [7]:
Gia tăng niềm hy vọng
Nhà tâm lý có cùng một cái nhìn với thân chủ
Chọn thứ tự ưu tiên cho các vấn đề cần trị liệu
Công cụ để giao tiếp với thân chủ
Cá nhân hóa việc trị liệu
Tiên đoán những khó khăn tiềm tàng có thể xảy ra trong quá trình tham vấn trị liệu
Tránh thiên kiến của nhà trị liệu
Đối với CBT, việc định hình ca là kỹ thuật rất cần thiết để nâng cao hiệu quả khi điều trị. Ở bài viết này, chúng ta có thể hiểu về định hình ca là gì và mục tiêu tổng quan của nó. Ở phần tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về kỹ thuật phổ biến nhất trong định hình ca là phân tích mô hình 5P’s và những lợi ích của nó trong bối cảnh tham vấn trị liệu.
Nguồn
[1] Case Formulation Sheet (Worksheet). (n.d.). Therapist Aid. https://www.therapistaid.com/therapy-worksheet/case-formulation
[2] Persons, J. B. (2022). Case formulation. Cognitive and Behavioral Practice, 29(3), 537-540.
[3] Huisman, P., & Kangas, M. (2018). Evidence-Based Practices in Cognitive Behaviour Therapy (CBT) Case Formulation: What Do Practitioners Believe is Important, and What Do They Do? Behaviour Change, 35(1), 1–21. doi:10.1017/bec.2018.5
[4] Counselling Tutor. (2021b, July 12). Case Formulation • Counselling Tutor. Counsellingtutor.com. https://counsellingtutor.com/case-formulation/
[5] Gazzillo, F., Dimaggio, G., & Curtis, J. T. (2021). Case formulation and treatment planning: How to take care of relationship and symptoms together.Journal of Psychotherapy Integration, 31(2), 115–128. https://doi.org/10.1037/int0000185
[6] Persons, B. J., & Lisa, S. T. (2015). Developing and Using a Case Formulation to Guide Cognitive-Behavior Therapy. Journal of Psychology & Psychotherapy 5(2)
[7] Sách Trị liệu tiếp cận nhận thức hành vi - Phối hợp giữa lý thuyết và thực hành (ThS. Lê Thị Minh Tâm)