PTSD (Post-Traumatic Stress Disorder) - không phải là sự "yếu đuối" của cơ thể cần ta phải vượt qua một cách vội vã. Mà đó chính là câu chuyện của một cơ thể vẫn đang cố gắng hằng ngày bảo vệ bạn khỏi điều mà nó nghĩ rằng vẫn còn đang rình rập đâu đây.
DẤU HIỆU CỦA NHỮNG VẾT THƯƠNG "VÔ HÌNH”
Một tiếng động lớn, với người khác có thể là điều rất bình thường, nhưng với bạn, lại là cơn bão lòng gợi đến những hình ảnh xưa.
Một mùi hương thoảng qua, nhưng cũng đủ để kéo bạn về một khoảnh khắc trong quá khứ mà bạn luôn cố gắng xoá nhoà đi, dù chân vẫn đang bước trên phố.
Một góc phố cũ bỗng chốc biến thành đường hầm không lối thoát trước mắt bạn.
Một cái chạm tay bất ngờ, nhưng khiến tim bạn đập thình thịch như trống trận.
KHOA HỌC NÓI GÌ VỀ NHỮNG VẾT THƯƠNG NÀY?
Khi chúng ta trải qua sang chấn tâm lý, não bộ sẽ kích hoạt cơ chế sinh tồn nguyên thủy với hai phản ứng đặc trưng (Van der Kolk, 2014; Shin et al., 2006):
Hạch hạnh nhân (Amygdala) – "hệ thống báo động" của não – phản ứng thái quá như một quả bóng bị bơm căng, liên tục phát tín hiệu cảnh báo nguy hiểm.
Vỏ não trước trán (Prefrontal Cortex) – vùng điều khiển tư duy logic và kiểm soát cảm xúc – tạm thời bị "tê liệt", khiến khả năng phân tích tình huống suy giảm.
Sự mất cân bằng này khiến cơ thể rơi vào trạng thái "bị bắt làm con tin" bởi ký ức đau đớn, dẫn đến phản ứng Fight-or-Flight-or-Freeze ngay cả khi mối đe dọa thực sự đã kết thúc (Levine, 1997; Porges, 2017).
"HÃY CHẠY! HÃY CHIẾN ĐẤU! NGUY HIỂM ĐANG TỚI!"
CÁC BƯỚC CHĂM SÓC BẢN THÂN KHI TRẢI QUA SANG CHẤN
Bước 1: Cho phép bản thân di chuyển chậm rãi
Để chữa lành những vết thương tưởng chừng vô hình ấy mà không khiến chúng thêm đau đớn, Hoa Súng mong bạn hãy can đảm bước từng bước nhỏ trên hành trình này. Mỗi bước chân có thể chậm rãi, mỗi ngày có thể khác nhau, nhưng điều quan trọng là bạn vẫn đang tiến về phía trước.
Bước 2: Đối xử dịu dàng với bản thân
Mong bạn hãy học cách dịu dàng với chính mình, như cách một người mẹ ôm lấy đứa con đang khóc. Hãy cho phép bản thân được dừng lại khi mệt mỏi, được thở khi ngột ngạt, được khóc khi đau đớn. Bởi mỗi cảm xúc ấy đều là ngôn ngữ của trái tim đang cố gắng nói lên điều gì đó.
Bước 3: Nhìn nhận nỗi đau với lòng trắc ẩn
Một ngày nào đó, khi đủ can đảm, hãy thử nhìn thẳng vào nỗi đau của mình - không phải với ánh mắt sợ hãi hay oán trách, mà với sự chấp nhận rằng nó đã từng hiện diện trong cuộc đời bạn. Rồi từ từ, hãy đưa tay ôm lấy vết thương ấy, như ôm một phần đời mình vẫn còn non nớt, vẫn cần được vỗ về. Hãy thì thầm với nó bằng tất cả tình yêu thương mà bạn có: "Cảm ơn vì đã bảo vệ mình suốt thời gian qua. Giờ thì ta có thể học cách an toàn theo cách khác rồi."
Bước 4: Nuôi dưỡng những lời tự động viên
Và quan trọng nhất, hãy luôn nhủ với lòng mình rằng: "Không sao cả nếu mình vẫn còn sợ. Sợ hãi ấy đã từng giúp mình sống sót." "Không sao cả nếu vết thương vẫn còn đó. Nó là minh chứng cho sức mạnh đã đưa mình vượt qua bao sóng gió." "Không sao cả nếu hôm nay mình chưa thể mạnh mẽ. Ngay cả những bông hoa súng đẹp nhất cũng cần thời gian để vươn lên từ bùn lầy."
Bước 5: Tìm kiếm hỗ trợ khi cần thiết
Nếu bạn cảm thấy:
- Cảm xúc trở nên quá tải
- Cơ thể xuất hiện dấu hiệu căng thẳng kéo dài (mất ngủ, đau đầu, tim đập nhanh,...)
- Không thể tự điều chỉnh bằng các bước trên
Hoa Súng mong rằng bạn có thể tìm đến sự đồng hành và hỗ trợ từ các chuyên gia sức khỏe tâm thần (nhà trị liệu, bác sĩ tâm lý). Điều này không phải là biểu hiện của sự thất bại hay yếu đuối, mà ngược lại, đây chính là hành động can đảm để yêu thương chính mình sâu sắc và trọn vẹn hơn.
Bởi chữa lành không phải là xóa đi quá khứ, mà là học cách nhìn nhận và chấp nhận nó một cách nhẹ nhàng và bao dung hơn.
Và mong bạn hãy luôn nhớ rằng, Hoa Súng ở đây cùng bạn và vì bạn!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Van der Kolk, B. (2014). The Body Keeps the Score. Viking Press.
2. Levine, P. (1997). Waking the Tiger: Healing Trauma. North Atlantic Books.
3. Porges, S. (2017). The Pocket Guide to the Polyvagal Theory. Norton.
4. Shin, L. M., et al. (2006). "Amygdala and insular response to emotional faces in PTSD". NeuroImage, 30(1), 583-588.