VÌ SAO TA DỄ BỊ THU HÚT BỞI NGƯỜI ÁI KỶ ĐỘC HẠI?
Đôi khi, việc liên tục rơi vào mối quan hệ với người có ái kỷ độc hại không phải là sự ngẫu nhiên – nó thường có thể bắt nguồn từ các mô thức tâm lý sâu xa được hình thành từ thời thơ ấu.
🔍 Lòng trắc ẩn cao và xu hướng “làm người cứu rỗi”
Người có mức đồng cảm cao thường cảm thấy mình cần có trách nhiệm với cảm xúc người khác, dẫn đến việc họ thực hiện các hành vi nhằm nỗ lực chữa lành và giúp đỡ người kia thoát khỏi nỗi đau – dù người đó có thể không hề muốn thay đổi. Chính vì điều này, họ dễ trở thành mục tiêu lý tưởng của người có ái kỷ, những người thường tận dụng sự thiếu ranh giới rõ ràng để thao túng (Durvasula, 2015).
🧠 Tổn thương thời thơ ấu và “kiểu gắn bó lo âu”
Những người từng bị kiểm soát cảm xúc, hoặc bị bỏ rơi khi còn nhỏ, thường có xu hướng mang theo niềm tin rằng “mình phải làm tốt hơn để được yêu thương”. Vì vậy, họ dễ bị thu hút bởi những người có ái kỷ độc hại – người mang lại cảm giác quen thuộc dù đầy tổn thương. Họ níu kéo mối quan hệ không lành mạnh để tìm kiếm cảm giác an toàn vốn chưa từng tồn tại (Bartholomew & Horowitz, 1991).
😶 Sự thiếu ranh giới cá nhân
Khi chưa có kỹ năng nhận diện và bảo vệ ranh giới, ta dễ hòa lẫn vào cảm xúc người khác, đánh mất chính mình và trở thành đối tượng dễ bị thao túng, đổ lỗi. Brown (2010) chỉ ra rằng ranh giới chính là nền tảng của lòng tự trọng lành mạnh – nếu vắng mặt nó, cá nhân rất dễ bị cuốn vào mối quan hệ mất cân bằng về quyền lực.
LÀM SAO ĐỂ KHÔNG RƠI VÀO “MA TRẬN CẢM XÚC” CỦA NGƯỜI CÓ ÁI KỶ ĐỘC HẠI
Phòng ngừa không phải là né tránh tất cả những người có nét ái kỷ – mà là nhận diện đúng, đủ và sớm để không đánh mất bản thân trong mối quan hệ đó.
✳️ Hiểu rõ các chiến thuật thao túng
Một vài biểu hiện phổ biến bạn có thể nhận diện:
Gaslighting: Họ làm bạn nghi ngờ cảm xúc và trí nhớ của mình.
Ví dụ: Bạn buồn vì người ấy vô tâm với mình, nhưng họ bảo "Em nhạy cảm quá, anh vẫn quan tâm em mà."
Silent treatment: Phớt lờ để trừng phạt bạn.
Ví dụ: Khi bạn phản hồi điều gì không vừa ý, họ im lặng cả tuần để bạn cảm thấy tội lỗi. Và bạn sẽ là người bắt đầu nói chuyện lại với họ
Triangulation: Đưa người thứ ba vào để tạo áp lực.
Ví dụ: “Bạn cùng vào với em làm tốt hơn em nhiều đó, em thật là tệ hại.”
Stern (2007) nhấn mạnh rằng việc nhận diện được hành vi thao túng là bước đầu giúp giữ vững bản thân trong quan hệ với người có ái kỷ.
✳️ Thiết lập ranh giới cá nhân rõ ràng
Ranh giới không chỉ là “nói không”, mà còn là:
Nhận diện điều khiến bạn thấy tổn thương.
Truyền đạt điều đó một cách rõ ràng, kiên định.
Không cho phép người khác kiểm soát cảm xúc của bạn.
Ví dụ: “Tôi thấy không thoải mái khi anh xem điện thoại của tôi. Tôi cần không gian riêng, và mong anh tôn trọng điều đó.”
Cloud & Townsend (1992) mô tả ranh giới như hàng rào giúp chúng ta phân biệt đâu là trách nhiệm của mình – đâu là của người khác. Đây là nền tảng để bạn tự bảo vệ sự lành mạnh trong các mối quan hệ.
CÁCH ỨNG PHÓ NẾU BẠN ĐANG TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI NGƯỜI CÓ ÁI KỶ ĐỘC HẠI
🌱 Bắt đầu từ việc quan sát chính mình
Rời đi không phải lúc nào cũng dễ – đặc biệt trong quan hệ gia đình, công việc. Hãy bắt đầu từ:
Ghi lại cảm xúc hằng ngày, nhận diện các mô thức cảm xúc, suy nghĩ và hành vi lặp lại.
Nhận ra khi nào bạn tự đổ lỗi cho mình, hoặc tìm cách làm vừa lòng người khác dù bản thân không có lỗi .
Tạm dừng trước khi phản ứng – chỉ cần một vài nhịp thở sâu cũng giúp bạn thoát ra khỏi vòng xoáy vô thức.
🛠️ Tạo “vùng an toàn cảm xúc” tạm thời cho chính mình
Nếu bạn không thể thoát khỏi mối quan hệ đó thì tìm cách ứng phó tạm thời
Giảm thời gian tiếp xúc không cần thiết.
Ví dụ: rút khỏi nhóm chat gia đình nếu thường xuyên bị chỉ trích.
Tìm người đáng tin để chia sẻ.
Ví dụ: một người bạn hiểu chuyện, hoặc nhà tham vấn hoặc trị liệu có chuyên môn.
Tham gia các hoạt động yêu thích giúp bạn kết nối lại với bản thân.
Ví dụ: viết lách, thiền, đi bộ nơi có nhiều cây xanh, hoà mình vào thiên nhiên, học kỹ năng mới…
💡 Từng bước lấy lại quyền làm chủ cảm xúc và quyết định
Người có ái kỷ độc hại thường khiến bạn cảm thấy “mình không đủ tốt”, “mình nên cố gắng hơn nữa”, “mình sai rồi”.
Nhưng điều bạn thực sự cần là:
Khôi phục lòng tự trọng qua việc tự chăm sóc, học hỏi và khẳng định giá trị của mình.
Học lại cách ra quyết định – không dựa vào việc người kia vui hay buồn.
Tìm đến hỗ trợ chuyên môn nếu cảm thấy mắc kẹt lâu dài hoặc mất khả năng phân biệt đâu là thật – đâu là thao túng.
McBride (2018) mô tả rằng tiến trình phục hồi từ người có ái kỷ cần đi qua các giai đoạn: nhận diện – giải cấu trúc niềm tin cũ – xây lại bản thân.
✅ Tổng kết
Bạn không cần “chạy trốn” ngay lập tức – bạn cần nhìn rõ, thiết lập ranh giới, bảo vệ mình và từng bước lấy lại quyền làm chủ.
Người có ái kỷ độc hại có thể thao túng – nhưng sức mạnh thật sự nằm ở khả năng bạn trở lại làm chủ chính mình.
Nguồn tham khảo
Bartholomew, K., & Horowitz, L. M. (1991). Attachment styles among young adults: A test of a four-category model. Journal of Personality and Social Psychology, 61(2), 226–244.
Brown, B. (2010). The Gifts of Imperfection. Hazelden.
Cloud, H., & Townsend, J. (1992). Boundaries. Zondervan.
Durvasula, R. (2015). Should I Stay or Should I Go? Surviving a Relationship with a Narcissist. Post Hill Press.
McBride, K. (2018). Will I Ever Be Free of You?. Atria Books.
Stern, R. (2007). The Gaslight Effect. Morgan Road Books.