Quá trình định hình ca trong Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) là đưa ra giả thuyết về nguyên nhân, tác nhân thúc đẩy và làm duy trì của các vấn đề tâm lý, quan hệ giữa các cá nhân và hành vi của một người. Định hình ca giúp sắp xếp thông tin phức tạp và mâu thuẫn về một người. Nó sẽ đóng vai trò như một bản thiết kế hướng dẫn điều trị, như một dấu hiệu cho sự thay đổi, như một cấu trúc giúp nhà trị liệu hiểu rõ hơn về thân chủ. Định hình ca cũng sẽ giúp nhà trị liệu dự đoán các hành vi can thiệp vào liệu pháp và thấu hiểu, đồng cảm với thân chủ hơn… nói chung, định hình ca trong liệu pháp tâm lý cũng bao gồm thông tin mô tả mà giả thuyết dựa trên và các khuyến nghị đề ra xuất phát từ giả thuyết.” (Page & Stritzke, 2006, tr. 60). Định hình ca là cầu nối giữa đánh giá và lập kế hoạch điều trị. Kết quả điều trị liên tục được theo dõi và phản hồi để điều chỉnh quy trình khi cần thiết.
Quy trình liên kết giữa thông tin thân chủ với các quyết định điều trị bằng cách định hình ca:
🔴 Bước 1: Những thông tin, dữ liệu từ thân chủ như vấn đề họ đang gặp phải, những dữ kiện về tuổi thơ, quá khứ của họ,... Những dữ liệu này sẽ được phân tích theo 2 hướng, một là dựa vào các lý thuyết, trường phái của tâm lý học để lý giải những vấn đề họ đang trải qua; hai là dựa vào những gì nhà tâm lý được đào tạo chuyên sâu, chẳng hạn như họ được học cách tiếp cận dựa theo liệu pháp CBT hay kinh nghiệm làm việc của họ để phân tích thêm về trường hợp của thân chủ.
🔴 Bước 2: Từ 2 yếu tố chính đó, nhà tâm lý sẽ bắt đầu với quy trình đánh gía bằng các công cụ như bảng hỏi, thang đo, test,... để đo lường dữ liệu, mức độ của vấn đề mà thân chủ đang trải qua. Bằng những dữ liệu thu được, họ sẽ tiến hành định hình ca (chẳng hạn như sử dụng mô hình 5P’s để phân tích về những vấn đề làm ảnh hưởng và duy trình tình trạng hiện tại của thân chủ. Định hình ca là một bước trung gian của quá trình đánh giá và lên kế hoạch điều trị cho thân chủ.
🔴 Bước 3: Lập kế hoạch điều trị và đo lường. Khi tiến hành những bước đầu tiên cho kế hoạch trị liệu của thân chủ, nhà tâm lý phải quan sát xem kế hoạch diễn tiến ra sao, có phù hợp không, có cần thay đổi điều gì không, kế hoạch này kéo dài bao lâu, và nếu có vấn đề phải tiến hành xử lý ngay lập tức để đảm bảo hiệu quả điều trị cho thân chủ.
🔴 Bước 4. Lượng giá và giải trình. Khi đã thực hiện đánh giá, định hình ca và thực hiện các bước trong kế hoạch trị liệu, nhà tâm lý phải lượng gía về tính hiệu quả của quá trình này và thực hiện những ghi chép, báo cáo lại một cách tổng thể. Đồng thời cân nhắc và đối chiếu đến cả những gì họ được học, được đào tạo và đưa ra quyết định về tiến trình của thân chủ.
DỰA TRÊN NHỮNG YẾU TỐ NÀO ĐỂ ĐỊNH HÌNH CA? - MÔ HÌNH 5P’s
Đối với quy trình từng bước để đánh giá, định hình ca thì mô hình 5P được sử dụng phổ biến nhất trong việc xác định những vấn đề làm nền tảng và dẫn đến vấn đề của thân chủ.
🔴 Predisposing - yếu tố tiền đề
Những điều có thể khiến một người có nguy cơ phát triển một khó khăn về sức khỏe tâm thần cụ thể
Những yếu tố sinh học (chấn thương não, tổn thương thực thể, những khó khăn khi sinh), các yếu tố di truyền (tiền sử gia đình về vấn đề sức khỏe tâm thần), các yếu tố môi trường (tình trạng kinh tế xã hội, sang chấn hoặc gắn bó thời thơ ấu).
🔴 Precipitating - yếu tố kích hoạt
Các sự kiện gần với thời gian vấn đề bị kích hoạt
Việc sử dụng chất gây n.ghiện hoặc các tác nhân gây căng thẳng giữa các cá nhân, pháp lý, nghề nghiệp, thể chất, tài chính. Những thay đổi đột ngột, mất mát hay lễ kỉ niệm cũng đề tác động, làm ảnh hưởng đến tâm trạng một người.
🔴 Presenting - vấn đề hiện tại
Những gì thân chủ mang đến, những gì thân chủ đang chịu đựng và trải qua.
Những điều khó khăn, cuộc sống của người đó bị ảnh hưởng như thế nào và khi nào là đủ để can thiệp. Ví dụ, đối với rối loạn nhân cách ranh giới, thì những khó khăn hiện tại có thể bao gồm không thể duy trì việc làm, các mối quan hệ và các biến chứng về sức khỏe thể chất do tự làm hại bản thân. Việc chỉ rõ những khó khăn như vậy có thể cho phép can thiệp tập trung hơn.
Tìm ra 5 yếu tố 5Ws: What (cái gì), Where (ở đâu), When (khi nào), Why (Vì sao), with Whom (với ai). Hoặc áp dụng mô hình ABC trong trị liệu nhận thức hành vi
🔴 Perpetuating - yếu tố duy trì
Điều này bao gồm các yếu tố duy trì những khó khăn hiện tại. Những yếu tố này có thể bao gồm việc sử dụng chất gây n.ghiện liên tục, các kiểu hành vi lặp lại (bao gồm các hành vi tránh né hoặc an toàn đối với các rối loạn lo âu), các kiểu sinh học (như mất ngủ trong pha hưng cảm, và mất ngủ hoặc ngủ nhiều đối với trầm cảm) hoặc các kiểu nhận thức như thiên kiến chú ý, thiên kiến trí nhớ hoặc cảnh giác quá mức.
🔴 Protect - yếu tố bảo vệ
Điều này liên quan đến việc xác định các điểm mạnh hoặc hỗ trợ có thể làm giảm tác động của rối loạn. Những yếu tố này có thể bao gồm hỗ trợ xã hội, kỹ năng, sở thích và một số đặc điểm cá nhân. Kuyken và cộng sự (2011) cho rằng đây là một yếu tố đặc biệt quan trọng mà theo truyền thống vẫn thiếu trong các biện pháp can thiệp sức khỏe tâm thần, nhưng việc đưa vào sẽ dẫn đến khả năng giảm triệu chứng cao hơn và tăng khả năng phục hồi. Việc xác định các yếu tố bảo vệ cũng tạo ra sự lạc quan hơn ở nhà trị liệu và thân chủ để góp phần tạo nên mối quan hệ điều trị tích cực.
BẮT ĐẦU ĐỊNH HÌNH CA VÀ ĐÁNH GIÁ BẰNG CBT
Bạn có loay hoay với việc bắt đầu hỏi từ đâu, hỏi về vấn đề gì khi bắt đầu thu thập thông tin từ thân chủ không? Làm sao để phiên tham vấn được tiến hành đúng cấu trúc nhưng vẫn đảm bảo lấy được những thông tin hữu ích?
Để tiến hành đánh giá và định hình ca, các nhà tâm lý có thể bắt đầu vột vài gợi ý như sau. Các câu hỏi đánh giá thường bao gồm:
🌱 Vấn đề/triệu chứng mà thân chủ muốn giải quyết
🌱 Tần suất của vấn đề, mức độ nghiêm trọng của vấn đề
🌱 Tình huống hoặc sự kiện gây ra vấn đề
🌱 Ảnh hưởng đến công việc/cuộc sống xã hội/cá nhân
🌱 Suy nghĩ về bản thân, người khác hoặc tình huống theo góc nhìn của thân chủ
🌱 Cảm xúc của thân chủ, cảm giác về thể chất
🌱 Những việc thân chủ duy trì hoặc né tránh thực hiện
🌱 Điều gì khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn và tốt hơn
🌱 Ý tưởng về nguyên nhân của vấn đề (quay ngược thời gian trở về điểm bắt đầu)
🌱 Điểm mạnh và điểm yếu bên trong vấn đề đang xảy ra
🌱 Điều mà thân chủ biết ơn hoặc mong muốn cuộc sống hiện tại của họ có sự thay đổi mục tiêu của liệu pháp.
Thông tin thu thập được thường sẽ cung cấp cho thân chủ và nhà trị liệu cùng nhau tạo ra cấu trúc sơ khởi cho từng ca khác nhau (giải thích ngắn gọn - dưới dạng sơ đồ, trên một trang A4 - cách thức và lý do tại sao các vấn đề của khách hàng phát triển và tồn tại thông qua các mô hình suy nghĩ, cảm xúc và hành vi).
NHỮNG LỢI ÍCH KHI ĐỊNH HÌNH CA LÀ GÌ?
Những bài viết trước chúng ta đã cùng tìm hiểu về định hình ca là gì, các mô hình được sử dụng khi tiến hành làm việc với thân chủ và khi nào thì nên bắt đầu định hình ca. Vậy thì việc định hình ca mang lại những lợi ích gì trong quá trình làm việc của tham vấn viên và thân chủ?
🌱 Phát triển mối quan hệ trị liệu (thường được gọi là 'liên minh làm việc' trong CBT) với thân chủ
🌱 Thỏa thuận về kế hoạch điều trị cùng thân chủ - để thân chủ cảm thấy được thấu hiểu và tham gia vào quy trình tìm ra chìa khóa cho vấn đề của mình
🌱 Hướng dẫn, đồng hành và tạo điều kiện cho quá trình thay đổi của thân chủ
🌱 Phân công nhiệm vụ trong phiên và giữa các phiên, cho phép nhà trị liệu và thân chủ cùng nhau xem xét các chu kỳ duy trì (dựa trên những suy nghĩ tự động tiêu cực) - và do đó xác định các can thiệp về nhận thức và/hoặc hành vi có thể giúp thay thế vòng luẩn quẩn này bằng những tái diễn mang tính tích cực và xây dựng hơn.
🌱 Xác định bất kỳ rào cản tiềm ẩn nào đối với CBT hiệu quả, ví dụ nếu thân chủ có xu hướng sử dụng biện pháp tránh né
🌱 Giúp thân chủ tự nhận thức thông qua việc phát triển sự hiểu biết về bản thân (đối với thân chủ và trong quá trình phát triển cá nhân của nhà trị liệu)
🌱 Cấu trúc các buổi giám sát lâm sàng, vì định hình ca của từng thân chủ có thể được sử dụng làm cơ sở cho các cuộc thảo luận, là cấu trúc cốt lõi để theo dõi việc trị liệu với thân chủ và khám phá/đánh giá điều này trong quá trình giám sát.
Nguồn:
Counselling Tutor. (2021, July 12). Case Formulation • Counselling Tutor. Counsellingtutor.com. https://counsellingtutor.com/case-formulation/
Page, A. C., & Stritzke, W. G. K. (2006). Clinical psychology for trainees: Foundations of science-informed practice. New York, NY: Cambridge University Press.
Macneil, C. A., Hasty, M. K., Conus, P., & Berk, M. (2012). Is diagnosis enough to guide interventions in mental health? Using case formulation in clinical practice. BMC medicine, 10, 111. https://doi.org/10.1186/1741-7015-10-111